CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Kinh nghiệm nhà nông
Ruồi đục quả và biện pháp phòng trừ

Cập nhật: 23/06/2020

    Ruồi đục quả và biện pháp phòng trừ

     1. Đặc điểm hình thái của ruồi đục quả


     Trứng hình hạt gạo, màu trắng sữa, khi sắp nở chuyển sang vàng nhạt.


     Dòi mới nở dài khoảng 1,5 mm, phát triển đầy đủ dài 6-8 mm, màu vàng nhạt, miệng có móc. Khi phát triển đầy đủ, Dòi búng mình rơi xuống đất để hóa nhộng trong đất, thời gian nhộng khoảng 7-12 ngày hoặc dài hơn nếu gặp lạnh. Dòi làm nhộng sâu trong đất khoảng 3-7cm.


     Nhộng dài 5-7mm, có hình trứng dài, lúc đầu màu vàng nâu, khi sắp vũ hóa có màu nâu đỏ.


     Trưởng thành có cơ thể dài 6-9 mm, sải cánh rộng 1,3 mm, đầu có dạng hình bán cầu, mặt trước mầu nâu đỏ với 6 chấm đỏ màu đen. Thân màu vàng nâu đỏ với những vân vàng, cánh trong, hình dạng giống nhưng nhỏ hơn ruồi nhà, hoạt động vào ban ngày. Trưởng thành hiện diện suốt năm, thời gian sống của trưởng thành 1 - 3 tháng. Trưởng thành có thể bay rất xa, mùa đông lạnh hoạt động ít hơn.


    2. Đặc điểm, khả năng gây hại của ruồi đục quả


     Ruồi cái dùng vòi đẻ trứng chọc sâu vào vỏ quả rồi đẻ một chùm 5-10 trứng (thường đẻ trứng lên quả phần tiếp giáp giữa vỏ quả và thịt quả). Vỏ quả nơi ruồi đục vào có màu đen, mềm, ứ nhựa (mủ), tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công làm thối quả và có thể bị rụng hoặc vẫn đeo trên cây.


     Dòi nở ra đục ăn trong quả (ăn thịt quả). Một quả có thể bị nhiều dòi phá hại. Quả bị dòi đục thường bị nhiều loại vi sinh vật cùng tấn công nên thối rất nhanh. Ruồi đục quả phá hại từ khi quả già đến chín.


     Ruồi đục quả gây hại trên nhiều đối tượng cây ăn quả như: Ổi, bưởi, thanh long, cam…, các cây rau: bí, mướp, bầu, cà chua…., trái cây bị ruồi đục làm giảm giá trị thương phẩm, chất lượng và không xuất khẩu được. Đối với vườn quất, quýt quả bị hại có màu vàng sáng xung quanh vết châm. Quả bị hại thường thối và rụng. Đối với quả thanh long, ruồi để trứng trên vỏ quả, dòi sau khi nở sẽ sống bên trong quả. Khi đó sẽ thấy bên ngoài vỏ có vết châm kim và ứa nước vàng. Mùa mưa là giai đoạn ruồi sinh sản mạnh và gây hại nặng cho nhà vườn. Có khả năng làm thất thoát >50% năng suất.


     Khi bị ruồi đục quả gây hại làm giảm chất lượng quả, gây thối hỏng trên vườn, giảm năng suất, giá trị quả.


     3. Biện pháp quản lý ruồi đục quả


     + Biện pháp cơ học:


     Đối với một số loại cây ăn quả phải sử dụng bao quả, bao quả có tác dụng hạn chế ruồi rất tốt.


     Không trồng xen các loại cây ăn quả khác trong vườn. Loại bỏ các cây là ký chủ của ruồi.


     Thu hoạch kịp thời, đúng độ chín, không để quả chín lâu trên cây hấp dẫn ruồi gây hại.


     Vệ sinh đồng ruộng, vườn trồng, thường xuyên thu, hái và đem tiêu hủy toàn bộ quả rụng trên mặt đất và quả còn đeo trên cây bị ruồi đục quả gây hại vì là nơi ruồi lưu tồn.


     + Biện pháp hóa học:


     Khi quả già chưa chín, phun trừ ruồi và dòi bằng các thuốc có hoạt chất Cyromazine…


     Phun mồi protein thủy phân (SOFRI Protein thuỷ phân): Do ruồi cái thích ăn protein để phát triển trứng, ruồi đực phát triển tinh trùng, nên có thể dùng bả mồi protein để diệt ruồi. Pha 4-5cc Karate 2.5EC với 55cc mồi protein trong 1 lít nước. Phun 200cc hỗn hợp này cho 1 cây, phun theo từng điểm (tránh phun trùm lên cả tán cây), để dẫn dụ và diệt ruồi. Đây là phương pháp hiệu quả và có thể áp dụng đồng loạt cả khu vực. Không phun toàn ruộng mà chỉ phun theo luống và bỏ cách luống, không phun trực tiếp lên quả. Biện pháp này cần được thực hiện trên diện rộng và thường xuyên.


     Khi quả đã già chưa chín, có thể phun các thuốc trừ sâu có hoạt chất Cyromazine (thuốc gốc Cúc tổng hợp) ở thời điểm ruồi vừa đẻ trứng hay trứng vừa nở.


     Dùng Pheromone bẫy ruồi đực và phun thuốc có hoạt chất Cyromazine khi ruồi mới đẻ trứng hay giòi mới nở.


     Sử dụng bẫy màu vàng sẽ hấp dẫn ruồi. Sử dụng bẫy ViZubon - D dẫn dụ ruồi đực (đặt 5 - 10m/1 bẫy).


     Dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugenol, bắt chước kích thích tố sinh dục của ruồi cái để dẫn dụ ruồi đực. Trong thuốc có pha thêm thuốc trừ sâu Naled nên sẽ diệt ruồi đực. Ruồi cái còn lại sẽ đẻ ra trứng không có đực thụ tinh nên trứng không nở được.


     4. Cách làm bẫy diệt ruồi đục quả


     *  Sử dụng thuốc VIZUBON-D:


     + Vizubon-D là một hỗn hợp gồm hai thành phần:


     Naled (chiếm 25% thành phẩm): Là một hoạt chất trừ sâu có tác dụng vị độc, tiếp xúc, xông hơi và thấm sâu dùng để phòng trừ nhiều loại sâu ăn lá, chích hút và nhện hại cây trồng, có hiệu lực cao đối với các loài ruồi, rệp hại lá và trái… được pha chung với chất dẫn dụ, nhằm mục đích tiêu diệt ruồi.


     + Methyl eugenol (chiếm 75% thành phẩm): Là chất dẫn dụ giới tính. Hợp chất hoá học này có hoạt tính sinh học rất cao (giống chất tiết dục của con ruồi cái loài Bactrocera dorsalis). Nên chúng có chức năng làm tín hiệu để con ruồi đực (loài Bactrocera dorsalis) dò tìm đến. Khi bay vào bẫy ruồi đực sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi thuốc Naled được pha sẵn trong bẫy. Do ruồi đực đã bị tiêu diệt, ruồi cái không còn được giao phối nên không đẻ trứng tạo lứa dòi mới gây hại cho quả cây. Khả năng dẫn dụ của thuốc rất mạnh. Hiệu lực có thể kéo dài tới 15 ngày.


     *  Sử dụng bả chua ngọt tự pha chế


     - Do ruồi đục quả là một loại côn trùng ưa thích vị chua ngọt nên sẽ pha chế một số chất có sẵn trong nhà bếp thành thuốc diệt côn trùng.


     - Cách pha chế như sau:


     + Dùng 4 phần đường mật (đường đen) trộn với 4 phần dấm, một phần rượu và một phần nước. Khuấy kỹ để dung dịch này tan đều. Sau đó, cho vào can nhựa, bình nhựa,… đậy kín chờ 3 – 4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu với liều lượng 100 ml dung dịch chua ngọt cho thêm 01 gram thuốc trừ sâu. Nên chọn thuốc độc qua đường miệng (vị độc), không có mùi.


     Để trừ ruồi đục quả đạt hiệu quả cần lưu ý một số vấn đề sau:


     Phải treo bẫy nơi đầu gió, chỗ râm mát, cách mặt đất khoảng 1,5-2 mét.


     Không nên treo bẫy vào giữa vườn vì khi thấy chất dẫn dụ ruồi sẽ đến nhiều hơn và gây hại các quả ở mép vườn trước khi tiếp xúc với bẫy.


     Không treo bẫy ngoài nắng, bẫy sẽ giảm hiệu lực nhanh.


     Nên vận động nhiều chủ vườn cây ăn trái trong khu vực của mình, cùng đặt bẫy đồng loạt trên diện rộng thì hiệu quả hạn chế tác hại của ruồi mới cao.


     Thời gian đặt bẫy tốt nhất là vào những thời điểm trái bước vào giai đoạn già bắt đầu chín trở đi.

 

Tác giả : ThS. Nguyễn Đức Chí
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: