CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt đảm bảo vệ sinh môi trường

Cập nhật: 26/06/2019

    Thời gian qua bệnh Dịch tả lợn châu phi đã gây thiệt hại không nhỏ đến ngành chăn nuôi của Tỉnh nói chung và ngành chăn nuôi lợn nói riêng…Tổng đàn lợn giảm mạnh đã tác động đến cơ cấu đàn vật nuôi cũng như công ăn việc làm, thu nhập của các hộ nông dân. Rất nhiều hộ nuôi lợn đang có xu hướng chuyển đổi sang giống vật nuôi mới. Để giúp người dân chăn nuôi chuyển đổi có hiệu quả trong sản xuất, chúng tôi xin lưu ý một số vấn đề về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt đảm bảo vệ sinh môi trường:

1. Giống và cách chọn giống

Nên chọn giống bò lai nhóm Zê bu (gồm: Redsindhi, Brahmal, Sahiwal) có tầm vóc lớn.

Chọn những con có thể chất khoẻ mạnh và có những đặc điểm sau: Ngoại hình cân đối, lông óng mượt, da mềm. Đầu cổ linh hoạt; Mặt ngắn, trán rộng, mắt sáng, mõm bẹ, bộ răng còn tốt; Lưng dài, thẳng. Ngực sâu, rộng. Bụng tròn, gọn; Mông nở. Đuôi dài, gốc đuôi to. Yếm rộng. Bao da rốn phát triển; Chân thẳng, bước đi vững chải, chắc chắn; móng khít.

2. Chuồng trại

Chuồng nên làm cách nhà ở tối thiều là 4m, hướng chuồng quay về hướng nam hoặc đông nam; đảm bảo đông ấm hè mát. Diện tích chuồng cần cho 1 con bò, bê từ 2 - 4 m2. Bố trí máng ăn và máng uống riêng biệt.

Nền chuồng lát gạch hoặc bê tông để dễ dọn vệ sinh (không làm nền quá nhẵn, bóng dễ làm gia súc trượt ngã gây chấn thương). 

Mái chuồng nên dùng tấm lợp phibrô - ximăng hoặc bằng vật liệu nhẹ tận dụng tại địa phương, các vật liệu ít hấp thụ nhiệt làm chuồng nuôi mát mẻ.

Phải xây hố ủ phân để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nếu có điều kiện nên xây công trình khí sinh học gần chuồng nuôi để xử lý phân và lấy khí đốt dùng cho sinh hoạt gia đình.

3. Chăm sóc nuôi dưỡng theo giai đoạn

3.1. Nuôi bê từ 1 - 5 tháng tuổi

Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi, nuôi bê tại nhà cạnh mẹ, luôn giữ ấm tránh gió lùa, cho bê nằm chỗ khô sạch

Từ tháng thứ 2, tập cho bê ăn cỏ xanh phơi khô được nắng. Cỏ tươi rửa sạch để ráo, cho bê ăn thức ăn xanh và thức ăn tinh  (Thức ăn tinh: 0,6 - 0,7 kg/con/ngày với 100 gam Protein tiêu hoá  2.800Kcal/kg.)

Từ tháng thứ 4 trở đi tập cho bê ăn thêm thức ăn củ quả như : khoai lang, bí đỏ,..

Trời nắng ấm tập cho bê vận động tự do dưới ánh nắng để bê có đủ Vitamin D3, tạo cho bộ xương cứng cáp.

Thức ăn: Thức ăn thô 5 – 7 kg cỏ/con/ngày. Thức ăn tinh 0,6 - 0,8 kg/con/ngày với 100 gam Protein tiêu hoá  2.800Kcal/kg.

3.2. Nuôi bê từ 6 - 20 tháng tuổi

Khi bê được 6 tháng tuổi tiến hành cai sữa cho bê.

Phương thức nuôi nhốt: Cho bê ra sân vận động 2 - 4 giờ/ngày. Cung cấp đầy đủ thức ăn xanh, thức ăn tinh hỗn hợp. Thường xuyên cung cấp đủ nước uống cho bê trong giai đoạn này.

 Phương thức chăn thả: Hiện còn khá nhiều địa phương còn áp dụng phương thức này. Nhưng muốn nuôi bò thịt có hiệu quả kinh tế cao cần đầu tư thâm canh theo quy trình và chăn nuôi bò lai.

Thức ăn:

Thức ăn thô xanh: 6 tháng tuổi cần 10 kg/con/ngày; 7 - 12 tháng tuổi cần15kg/con/ngày; 13 - 20 tháng tuổi: 30 kg/con/ngày.

Thức ăn tinh: 6 tháng tuổi 0,8 - 1 kg/con/ngày với 100 gam Protein tiêu hoá và 2.800 Kcal/kg.

3.3. Nuôi vỗ béo bò từ 21 - 24 tháng tuổi

Nuôi nhốt giảm vận động, tăng cường cho bò ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, năng lượng. Thức ăn tinh 1,5 - 2,5 kg/con/ngày với Protein tiêu hoá 100 gam và 2.800 Kcal/kg thức ăn, kết hợp cho bò ăn thức ăn thô xanh 30 kg/con/ngày (cỏ tươi hay khô, rơm được xử lý mềm hoá và tăng độ đạm).

Cho bò uống nước đầy đủ: 50 - 60 lít/con/ngày; có thể sử dụng muối ăn pha với nồng độ 9% cho bò uống.

Thường xuyên tắm chải cho bò để kích thích bò ăn uống khoẻ. Mùa hè tắm 2 lần/ngày. Mùa đông chải khô 1 tuần 2 lần cho bò bằng bàn chải. Kết hợp cho bò tắm nắng 2 giờ/ngày, giảm nhiệt độ và cường độ ánh sáng chuồng nuôi.

Những con có trọng lượng lớn, bị bệnh chân móng, cần sửa móng.

Xuất bò: Khi bò đã béo đúng tiêu chuẩn, quan sát vùng võng (vùng lưng) đã béo bằng (nông dân ta thường gọi là "bò béo bằng lưng") thì xuất bán.

4. Vệ sinh phòng trừ dịch bệnh

4.1. Vệ sinh thú y phòng bệnh

Để có hiệu quả trong chăn nuôi, việc ngăn ngừa, hạn chế tối đa bệnh cho bò bê là yếu tố tiên quyết đến lợi nhuận của người chăn nuôi.

Đối với chuồng trại:

Máng ăn, máng uống phải được dọn sạch trước khi cho ăn cho uống hàng ngày.

Chất thải rắn như phân, rác, thức ăn thừa ... phải được dọn ngày 2 - 3 lần ngay trước lúc cho ăn và phải chuyển ra đúng nơi quy định để xử lý.

Nền chuồng được vệ sinh ngày 2 lần bằng cào, chổi và vòi bơm trước lúc cho ăn nhằm đảm bảo vệ sinh, tránh các mầm bệnh theo đường tiêu hoá, hô hấp.

Các rãnh trong chuồng phải được quét dọn ngày 2 lần, cống rãnh xung quanh chuồng được dọn vệ sinh định kỳ không được để phân rác tồn đọng.

Nên tiến hành khử trùng thường xuyên (2 lần/tháng). Sau khi quét vôi xung quanh chuồng, nền chuồng, rắc vôi bột nền, cống rãnh thì 15 ngày sau nên dùng thuốc khử trùng phun khắp chuồng, tường mái, nền, cống rãnh.

Trần, tường, chấn song, cửa của chuồng nuôi phải được quét dọn định kỳ tránh màng nhện, bụi bẩn.

Luôn có ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính vì vậy nên chủ động thực hiện đầy đủ pháp lệnh thú y và quy trình phòng dịch bệnh cho đàn bò. Tốt nhất nên định kỳ lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra, đánh giá môi trường chăn nuôi, tình hình mầm bệnh để sớm có biện pháp tiêu diệt, khử trùng, thanh toán mầm bệnh không cho chúng xâm nhập vào đàn bò.

Tiến hành tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm các bệnh truyền nhiễm như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng,...theo qui định của thú y. Tẩy giun đũa cho bê định kỳ vào tháng thứ nhất, tháng thứ 3 và tháng thứ 9 bằng Piperazin 2 - 3g/10 kg trọng lượng. Cho uống hoặc tiêm 5 mg Levamisol/10 kg trọng lượng. Nếu bò ỉa chảy liên tục có mùi tanh khẳm, xù lông sáng sớm và chiều tối cần tẩy sán lá gan bằng cách tiêm bắp: Dovernix 1ml/15 kg trọng lượng hoặc cho uống Dertil B1 liều lượng viên/50 kg trọng lượng.

4.2. Tiêu diệt các nhân tố trung gian truyền bệnh:

Đối với những bệnh truyền nhiễm có thể lây lan rất nhanh từ con ốm sang con khoẻ qua các nhân tố trung gian thông qua trực tiếp hoặc gián tiếp chính vì vậy ta phải tiêu diệt hoặc hạn chế nguồn bệnh reo rắc ra bên ngoài. Để làm được việc đó yêu cầu người chăn nuôi phải phát hiện sớm, chủ động và tích cực, cách ly triệt để những con bệnh xa hẳn những con khoẻ đồng thời kết hợp điều trị trực tiếp những con bị bệnh và điều trị dự phòng những con vật có khả năng lây bệnh.

Đối với các nhân tố trung gian truyền bệnh cần phải cắt đứt đường truyền bệnh bằng cách xoá bỏ các nhân tố trung gian như vệ sinh thức ăn, nước uống, vệ sinh chuồng trại, thân thể bò và cuối cùng là phải thực hiện tiêu độc, tiêu diệt côn trùng, chuột...

Đối với gia súc bị bệnh cần phải cách ly triệt để, điều trị dứt điểm khi khỏi hẳn mới cho nhập vào vị trí cũ.

Tác giả : KS. Trần Văn Trung
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: