CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Kỹ thuật trồng cây Hồng Xiêm

Cập nhật: 23/12/2019

    Hồng Xiêm là cây ăn quả nhiệt đới, ưa khí hậu nóng ẩm. Nếu nhiệt độ xuống dưới 15 – 17oC cây không có khả năng ra hoa. Một số lưu ý chính khi trồng Hồng Xiêm:

1. Chọn giống

Hồng Xiêm có thể trồng từ hạt hoặc có thể từ cây ghép hay cây chiết. Tuy nhiên, yếu tố quyết định là giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Cần chọn giống tốt để trồng, tránh mua giống ở các cơ sở có địa chỉ không rõ ràng.

2. Thời vụ và mật độ trồng

Ở miền Bắc nên trồng vào vụ xuân, khoảng tháng 2, tháng 3, lúc này thời tiết và ẩm độ đều thuận lợi cho cây bén rễ, nảy chồi và lá mới.

Tán cây phát triển rộng, nên trồng hàng cách hàng khoảng 7 - 10m và cây cách cây từ 6 - 8m.

3. Làm đất

Cây Hồng Xiêm có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tốt nhất là trồng trên đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng.

Cày bừa kĩ, nhặt sạch cỏ dại. Đào hố với kích thước 60x60x60 cm hoặc 80x80x80cm

4. Phân bón lót

Nên ủ phân chuồng vào hố trước khi trồng. Mỗi hố ít nhất 10 kg phân hữu cơ hoai mục, 1 kg vôi bột, 1 - 2kg Lân super và 0,5kg Kali Sunfat hoặc 20 - 30kg phân hữu cơ vi sinh và 2 kg NPK.

Bón phân trước khi trồng từ 30 ngày trở ra, dùng cuốc trộn đều phân với đất, lấp cho gần đầy hố.

5. Kỹ thuật trồng

Khi điều kiện thuận lợi (trời râm mát, đất đủ ẩm) tiến hành trồng cây. Dùng dao sắc rạch bỏ túi bầu (tránh để vỡ bầu), đặt cây giống vào giữa hố, lấp đất đến qua cổ rễ và nén chặt. Trồng xong cần tưới đẫm nước ngay để cây in gốc và rễ tiếp xúc với đất được tốt. Những vùng có gió bão nên cắm cọc cố định cây để hạn chế bị lung lay gốc.

6. Kỹ thuật chăm sóc 

* Chăm sóc định kỳ:

Tưới nước: cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín.

Phòng trừ cỏ dại: Có thể phủ gốc bằng cỏ, rác, cây phân xanh... để hạn chế cỏ dại và giữ ẩm cho cây; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; xới gốc 2-3 lần/năm.

* Kỹ thuật cắt tỉa, tạo hình:

Sau khi trồng cần phủ gốc và tưới ẩm thường xuyên đến khi cây ra lá ổn định. Cây hồng Xiêm có tán dày, cành lá phân bố đều nên không cần cắt tỉa nhiều. Nếu muốn tán thấp thì những năm đầu tiên nên tỉa bớt ngọn, cắt bỏ những cành mọc thấp, cành bị sâu bệnh và cụm cành mọc chen chúc trong tán để cho cây thoáng và đỡ tiêu hao dinh dưỡng. Khi Hồng Xiêm đã già, cho năng suất thấp, quả nhỏ cần cưa bỏ cành già, cây sẽ mọc cành mới bổ sung, sau 1-2 năm cây sẽ hồi phục và cho quả to trở lại. Việc cắt, tỉa cành nên làm ngay sau khi thu hoạch quả, vào những ngày trời nắng, không mưa.

* Kỹ thuật bón phân hàng năm:

Mỗi năm cần bổ sung lượng dinh dưỡng khoảng 0,6 – 1,0kg Đạm ure + 1kg Lân supe + 0,6 – 1,0 kg Kali clorua/cây. Nên chia làm nhiều lần để bón cho cây, thời điểm bón thích hợp nhất là sau khi thu hoạch quả. Nên dùng bùn ao phơi khô bón vào gốc. Và cứ 2-3 năm cần bổ xung thêm phân chuồng với lượng 20 – 50 kg/cây (tùy sức sinh trưởng của cây).

Cách bón: Tranh thủ khi đất ẩm đào rãnh, rồi rải đều phân trên rãnh theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để phân dễ tan và lấp kín đất. Nếu trời khô hạn có thể hòa tan phân trong nước để tưới (với phân hòa tan).

7. Phòng trừ sâu bệnh

Hồng Xiêm là cây nhiệt đới ít bệnh, tuy nhiên cây cũng gặp một số loại sâu bệnh hại cây như: Sâu đục quả, sâu đục cành, các loại ruồi, rệp gây đốm lá và làm thối quả...

Với những loại sâu hại cần thường xuyên vệ sinh vườn, kiểm tra cây để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại. Nếu ít có thể bắt bằng tay nếu nhiều có thể sử dụng những loại chất dẫn dụ hoặc phun một số loại thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt côn trùng gây bệnh.

8. Thu hoạch và bảo quản

Ở miền Bắc từ khi nở hoa đến khi quả chín khoảng 8 – 10 tháng. Tiêu chuẩn xác định độ già thu hái là: cuống nhỏ lại, tai vểnh lên, lớp phấn nâu xám ngoài quả rạn nứt và bong ra vỏ, quả chuyển màu xanh vàng và nhẵn, khi hái mủ ở cuống quả chảy ra ít hoặc không có. Nên hái quả từng đợt cách nhau 1-2 tuần/lần. Quả thu hoạch nên phân loại trước khi đem rấm. Ngâm quả trong nước khoảng 30 phút hoặc ngâm trong nước vôi trong sau đó lấy giẻ ướt lau sạch phấn ở vỏ quả và nhựa ở cuống quả rồi hong khô nơi thoáng gió. Cho vào thùng hoặc chum vại có lót rơm xung quanh, đốt 1 nén hương rồi đậy kín lại. Mùa hè ủ khoảng 2 ngày. Mùa đông không cần ngâm nước mà chỉ lau sạch phấn ngoài vỏ quả. Khi ủ phải đảm bảo ấm xung quanh. Ủ mùa đông phải mất 3-5 ngày mới chín. Hồng Xiêm nên bảo quản ở nhiệt độ 25-30oC.

 

Tác giả : KS.Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: