CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Hướng dẫn phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam và Lúa cỏ bảo vệ sản xuất lúa năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Cập nhật: 21/12/2023

    Năm 2024, theo nhận định của Đài Khí tượng thuỷ văn Trung ương, dự báo trạng thái EL nino tiếp tục duy trì và kéo dài; mùa Đông Xuân năm 2023-2024 có nhiệt độ trung bình toàn Mùa cao hơn TBNN, xấp xỉ mùa Đông Xuân 2022-2023; các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra khó lường, bệnh Lùn sọc đen, lúa cỏ có nguy cơ gây hại trên lúa. Để hạn chế tác hại của bệnh Lùn sọc đen và Lúa cỏ, góp phần bảo vệ năng suất cây trồng, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp để quản lý nguồn bệnh như sau:


1. Vệ sinh đồng ruộng và xử lý nguồn bệnh:


Vệ sinh đồng ruộng: Thực hiện trước vụ gieo cấy, vụ Xuân triển khai trong tháng 12/2023, vụ Mùa triển khai trong tháng 6/2024 đảm bảo không để gốc rạ, lúa éo, lúa cỏ tồn tại trên đồng ruộng;


 


- Đối với bệnh Lùn sọc đen: Vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ để ngăn ngừa bệnh phát sinh trên lúa chét, lúa tái sinh; dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, tàn dư từ cây lúa, cây ngô bị bệnh (các kí chủ trên đồng ruộng) để hạn chế nơi trú ẩn của rầy và tiêu diệt nguồn bệnh.


- Đối với lúa cỏ: Sau khi thu hoạch tiến hành giữ ẩm trên ruộng để nhử hạt lúa cỏ và các loại cỏ dại tiếp tục nảy mầm, sau đó bón bổ sung vôi bột, tiến hành cày lật và ngâm dầm cho thối hạt lúa cỏ, hoặc có thể sử dụng chế phẩm vi sinh để nhanh phân hủy rơm rạ và hạt lúa cỏ; trước khi vào vụ gieo cấy cần tiến hành làm đất kỹ và san phẳng mặt ruộng mới tiến hành cấy; cuối vụ sản xuất cần quan sát và loại bỏ các bông lúa lẫn tạp đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn lây lan trước khi thu hoạch đại trà; những diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ từ 60 % trở lên cần thu hoạch riêng, khoanh vùng (tạo bờ ngăn, chăng lưới mắt nhỏ trên ruộng) và xử lý bằng các biện pháp canh tác như trên để tiêu diệt hạt lúa cỏ trên đồng ruộng.


2. Quản lý chặt các nguồn lây của bệnh


Đảm bảo an toàn cho các trà mạ không bị nhiễm bệnh LSĐ, nhiễm lúa cỏ: Che phủ nilon trên mạ ở vụ Xuân để che chắn rầy xâm nhiễm kết hợp với chống rét cho mạ; không gieo mạ ở ven đường giao thông, nơi có nguồn sáng mạnh sẽ thu hút rầy lưng trắng. Đối với vụ Mùa phải xử lý hạt giống trước khi gieo thẳng và phun thuốc rầy trước khi đưa ra ruộng cấy. Khi phát hiện bệnh lùn sọc đen trên ruộng mạ thì tiến hành tiêu hủy toàn bộ, gieo mạ khác thay thế; chú trọng việc phun trừ rầy lứa 4 ở giai đoạn cuối tháng 7 đầu tháng 8 khi có kết quả phân tích mẫu rầy dương tính với virus LSĐ và trên đồng ruộng có triệu chứng cây bị bệnh ở mức độ mới phát sinh.


 


- Đối với bệnh Lùn sọc đen: Duy trì hệ thống bẫy đèn để theo dõi rầy vào đèn, thu mẫu rầy và lúa giám định nhanh Virus LSĐ bằng Test KIT để phòng chống bệnh sớm; Hướng dẫn nông dân thực hiện xử lý hạt giống trên lúa gieo thẳng bằng các loại thuốc như: Cruiser plus 312.5FS, Enaldo 440FS, Kola 600FS.... đối với vụ Mùa phun thuốc trừ rầy trên mạ trước khi đưa ra ruộng cấy bằng các loại thuốc có tính nội hấp, lưu dẫn, đặc biệt trên mạ gieo dược và phun thuốc trừ rầy ở giai đoạn lúa mới cấy theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn khi cần thiết.


- Đối với Lúa cỏ: Hạt lúa cỏ có thể di chuyển, phát tán theo nguồn nước hoặc theo máy móc nông cụ (máy làm đất, máy gặt, ...) từ nơi này sang nơi khác nên cần tuân thủ các biện pháp: Khi cho nước vào ruộng để làm đất, cần đặt lưới chắn hạt lúa cỏ tại đầu đường dẫn nước và ruộng; không sử dụng giống lúa từ các vùng  bị nhiễm lúa cỏ để gieo cấy; không sử dụng đất ải, bùn mương máng ở các vùng bị nhiễm lúa cỏ để gieo mạ nền cứng; vệ sinh máy cày, máy cấy, máy gặt để hạn chế lúa cỏ lây nhiễm sang các vùng khác; sau khi gieo cấy nếu phát sinh lúa cỏ phải nhổ bỏ và tiêu hủy, không được để lúa cỏ tồn tại trên bờ hoặc ném xuống mương nước.


3. Giải pháp phòng trừ:


3.1. Tập trung ứng dụng KHCN vào sản xuất lúa


- Bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, quy hoạch vùng, gieo cấy tập trung để hạn chế rầy phát sinh nhiều lứa, gây khó khăn cho công tác phòng trừ;


- Chuyển đổi phương thức canh tác từ gieo sạ sang cấy bằng tay hoặc cấy bằng máy giúp dễ dàng nhận biết và loại bỏ lúa cỏ ngay từ giai đoạn đầu vụ; các vùng đã bị nhiễm lúa cỏ cần luân canh lúa với cây trồng cạn hoặc cây trồng nước khác họ để dễ dàng nhận biết, loại bỏ lúa cỏ sau 1 - 2 vụ;


- Khuyến cáo sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng (giống nguyên chủng, giống xác nhận), không sử dụng lúa tự để giống ở những vùng đã bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước để gieo cấy.


- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa: Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), sản xuất lúa bền vững giảm phát thải nhà kính, 3 giảm 3 tăng; quản lý dịch hại tổng hợp IPM; quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM, ...; ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, thuốc có độ độc thấp.


3.2. Đối với nông dân và các tập thể sản xuất lúa


- Chủ động vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây bệnh, cày lật đất sớm; chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng, không sử dụng giống lúa ở vùng đã bị nhiễm bệnh để gieo cấy; che phủ nilon cho toàn bộ diện tích mạ xuân; các đợt phun thuốc rầy phòng bệnh lùn sọc đen phải tuân thủ nghiêm sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.


 


- Thực hiện nguyên tắc thăm đồng thường xuyên để phát hiện rầy sớm, các triệu chứng cây lúa bị bệnh Lùn sọc đen và Lúa cỏ để có biện pháp xử lý kịp thời.


- Thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ bệnh Lùn sọc đen, Lúa cỏ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để hạn chế sự lây lan của bệnh Lùn sọc đen và Lúa cỏ ngay từ đầu vụ.


Diễn biến phát sinh, gây hại của bệnh lùn sọc đen phương Nam và Lúa cỏ rất khó lường. Vì vậy, khi đã có dấu hiệu cảnh báo của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, xã thì bà con cần phải hết sức đề phòng, cảnh giác, cần chủ động phòng trừ bệnh sớm, kịp thời, nếu chủ quan sẽ dẫn đến thiệt hại nặng về kinh tế.


 



Tác giả : (Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình)
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: